Chắc hẳn với những bạn lần đầu tiên tiếp xúc với âm nhạc, khi nhìn vào những văn bản nhạc như thế này sẽ không tránh khỏi cảm giác “chóng mặt” đúng không nào.
Giữ bình tĩnh nha, thật ra thì nó cũng không quá khó hiểu đâu. Đặc biệt sau khi bạn đọc qua bài viết này.
Nội dung bài viết:
Đầu tiên, chúng ta sẽ xem qua về các ký hiệu liên quan đến khuông nhạc nhé:
1. KHUÔNG NHẠC (Stave/Staff):
Khuông nhạc có thể hiểu là cái nền để tất cả các nốt nhạc, các ký hiệu có thể đặt lên đó. Khuông nhạc bao gồm 5 dòng kẻ và 4 khe, tương ứng với các cao độ của nốt nhạc. Và các cao độ này chỉ được xác định trên một khuông nhạc khi xuất hiện các Khoá Nhạc (Cleff) – sẽ được giải thích ở phần tiếp theo nha. Ở Anh, người ta chuộng sử dụng từ “Stave” để chỉ khuông nhạc hơn.
2. DÒNG KẺ PHỤ (Ledger Line):
Tác dụng của dòng kẻ phụ chính là để viết những nốt nhạc nằm ngoài khuông nhạc. Chúng ta có thể thấy, vị trí của các dòng kẻ phụ sẽ được đặt bên trên hoặc bên dưới khuông nhạc, tuỳ vào cao độ của nốt nhạc mà chúng ta muốn thêm vào.
3. VẠCH NHỊP (Bar Line):
Vạch nhịp có công dụng chia bản nhạc ra thành nhiều ô và mỗi ô được gọi là Ô nhịp (Bar/Measure). Một ô nhịp chứa bao nhiêu phách thì chúng ta sẽ dựa vào Số Chỉ Nhịp (Time Signature) – sẽ được giải thích ở phần tiếp theo nha.
Tiếp theo, mình sẽ cùng tìm hiểu về những ký hiệu liên quan đến khoá nhạc nhé:
4. KHOÁ SOL (Treble Clef):
Đây là khoá nhạc thường gặp nhất so với tất cả các khoá nhạc còn lại và còn được sử dụng cho giọng hát và những nhạc cụ có âm khu cao.
5. KHOÁ ĐÔ (Alto/Tenor Clef):
Khoá nhạc được viết dành cho các nhạc cụ Viola, Cello, Trombone, và các nhạc cụ có âm khu trung. Nhưng ngày nay, người ta thường thay thế bởi các khoá nhạc phổ biến hơn, đó là bằng khoá Sol và khoá Fa
Gồm có khoá Đô dành cho giọng Alto và khoá Đô dành cho giọng Tenor. Mời bạn xem hình ảnh đính kèm để hiểu rõ hơn nhé!
6. KHOÁ FA (Bass Clef):
Dòng kẻ nằm giữa hai dấu chấm chính là nốt để xác định tên của khoá nhạc này, đó chính là nốt Fa. Khoá này viết cho những những nốt thấp, trầm và thường xuất hiện một cặp với Khoá Sol, cả hai đại diện cho các tầng cao và trầm trong âm nhạc.
Một vài ký hiệu âm nhạc nữa mà mình muốn giới thiệu với các bạn nó liên quan đến dấu hoá (Key Signature)
7. DẤU THĂNG (Sharp):
Dấu thăng có tác dụng tăng cao độ của nốt nhạc đứng trước nó lên ½ cung.
8. DẤU GIÁNG (Flat):
Dấu giáng có tác dụng giảm cao độ của nốt nhạc đứng trước nó ½ cung.
9. DẤU BÌNH (Natural):
Dấu bình có tác dụng huỷ bỏ công dụng của dấu thăng hoặc dấu giáng trước đó.
10. DẤU THĂNG KÉP (Double Sharp):
Dấu thăng có tác dụng tăng cao độ của nốt nhạc đứng trước nó lên 2 lần ½ cung – tương đương với 1 cung.
11. DẤU GIÁNG KÉP (Double Flat):
Dấu giáng có tác dụng giảm cao độ của nốt nhạc đứng trước nó 2 lần ½ cung – tương đương với 1 cung.
Cuối cùng sẽ là các ký hiệu âm nhạc đặc biệt
12. STACCATO:
Khi xuất hiện dấu chấm ở trên đầu một nốt nhạc, các bạn buộc phải hát nốt đó nảy hơn. Có nghĩa là rút gọn trường độ của nốt đó lại hát gọn lại, nhưng không làm tăng tốc độ bài nhạc lên.
13. NỐT CHẤM DÔI (Dotted Note):
Cũng là dấu chấm, nhưng bây giờ nó không nằm trên đầu của nốt nhạc nữa mà là nằm kế bên nha. Khi nó vị trí này, tác dụng của nó cũng khác, đó chính là kéo dài thêm trường độ của một nốt tương đương với một nửa giá trị của nốt đứng trước nó.
14. DẤU MẮT NGỖNG (Fermata):
Khi xuất hiện dấu này ở trên một nốt nhạc nào đó, bạn có thể ngân dài tùy thích nốt nhạc đó,
15. CÁC DẤU HOA MỸ (Grace Note/Acciaccatura):
Nốt hoa mỹ có trường độ rất ngắn. Giống như chúng ta chỉ hát lướt qua và tập trung chủ yếu ở nốt đi chung với nó vậy.